HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – HÀN QUỐC (VKFTA)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA; tiếng Anh: Viet Nam – Korea Free Trade Agreement; tiếng Hàn: -베트남 자유무역협정) là điều ước quốc tế được ký kết giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc về việc xây dựng khu vực thương mại tự do, hợp tác kinh tế song phương

VKFTA LÀ GÌ?

Nguồn: Internet

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA; tiếng Anh: Viet Nam – Korea Free Trade Agreement; tiếng Hàn: -베트남 자유무역협정) là điều ước quốc tế được ký kết giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc về việc xây dựng khu vực thương mại tự do, hợp tác kinh tế song phương. VKFTA được khởi xướng từ năm 2009 sau khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đạt mức đối tác hợp tác chiến lược, được hai bên phối hợp nghiên cứu tính khả thi, trải qua đàm phán cụ thể các vấn đề trong giai đoạn 2012–14, và ký kết, chính thức đi vào hoạt động năm 2015, trở thành một trong những hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của Việt Nam. Hiệp định này cũng được xem là một trong những thỏa thuận về thương mại, đầu tư đóng góp vào tiến trình nâng cấp quan hệ ngoại giao của hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện năm 2022. 

NỘI DUNG HIỆP ĐỊNH

Hiệp định gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và một thỏa thuận thực thi quy định. Các chương chính là: thương mại hàng hoá bao gồm các quy định chung (gọi là cam kết lời văn), và các biểu cam kết thuế quan cụ thể (gọi là cam kết mở cửa thị trường); quy tắc xuất xứ; thuận lợi hóa hải quan; phòng vệ thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân, các biểu cam kết mở cửa dịch vụ cụ thể; đầu tư; sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; cạnh tranh; minh bạch hóa; hợp tác kinh tế; và thể chế và các vấn đề pháp lý. Hiệp định lập thành các bản sử dụng ba ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Hàn, và tiếng Anh, đều có giá trị như nhau, ưu tiên sử dụng bản tiếng Anh trong trường hợp không thống nhất. Mục tiêu chung của hiệp định cũng được nêu trong lời mở đầu:

“ ...tin tưởng rằng một khu vực thương mại tự do sẽ tạo lập một thị trường rộng mở, an toàn cho hàng hóa và dịch vụ trong lãnh thổ của hai bên và tạo môi trường ổn định và có thể dự đoán trước cho đầu tư, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường toàn cầu.”

Thương mại hàng hóa

Thuế quan

Các cam kết thuế quan thương mại hàng hóa trong VKFTA được xây dựng trên nền tảng các cam kết thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, bởi Việt Nam là một thành viên của ASEAN, nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn. Hiệp định quy định cắt giảm thêm một số dòng thuế mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc mức độ cắt giảm còn hạn chế, theo đó: Hàn Quốc xóa bỏ thêm cho Việt Nam 506 dòng thuế (chiếm 4,14% biểu thuế và tương đương với 5,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc năm 2012); và Việt Nam xóa bỏ thêm cho Hàn Quốc 265 dòng thuế (chiếm 2,2% biểu thuế và tương đương với 5,91% tổng kim ngạch nhập khẩu vào từ Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2012). Với sự liên kết giữa các hiệp định, tổng hợp các cam kết trong VKFTA và AKFTA thì Hàn Quốc sẽ xóa bỏ cho Việt Nam 11.679 dòng thuế (chiếm 95,44% biểu thuế và tương đương với 97,22% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc năm 2012); Việt Nam sẽ xóa bỏ cho Hàn Quốc 8.521 dòng thuế (chiếm 89,15% biểu thuế và tương đương 92,72% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2012).

 

Nguồn: wikipedia

Bên cạnh đó, hai bên thỏa thuận rằng, trong quá trình thực thi hiệp định, hai bên có thể tham vấn và xây dựng thỏa thuận bổ sung để đẩy nhanh hơn tốc độ cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Trong trường hợp một bên đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan và đã thực hiện các thủ tục thông báo chính thức cho bên kia thì hoạt động này sau khi chính thức có hiệu lực sẽ không được rút lại. Mỗi bên không được phép tăng thuế hay áp đặt thêm các loại thuế mới đối với hàng hóa của bên kia trừ khi: (i) tăng các loại thuế mà trước đó đã đơn phương giảm thuế nhưng không thuộc các trường hợp thỏa thuận giảm thuế bổ sung hoặc đơn phương giảm thuế có thông báo chính thức như Điều 2.3.3, VKFTA; hoặc (ii) áp thuế hay tăng thuế thực hiện theo quyết định giải quyết tranh chấp của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp Tổ chức Thương mại Thế giới.

Quy tắc xuất xứ

 

Để được hưởng ưu đãi thuế quan trong VKFTA, hàng hóa phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của hiệp định. Theo đó, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại Việt Nam hoặc Hàn Quốc nếu đáp ứng được một trong các điều kiện là: có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể trong hiệp định về quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng, các hàng hóa đặc biệt. Để được hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng hóa cần đáp ứng được tiêu chí tỷ lệ hàm lượng giá trị khu vực (regional value content, viết tắt: RVC) theo quy định, thường là trên 40%; hoặc chuyển đổi mã HS từ nhóm này sang nhóm khác; hoặc thuộc nhóm các sản phẩm dệt may, trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến duy nhất.

Với hàm lượng giá trị khu vực, có hai cách tính, cách tính trực tiếp (build- up): RVC= VOM/FOB X 100%, hoặc gián tiếp (build- down): RVC= (1- VNM/FOB) X100%

Trong đó, VOM là trị giá của các nguyên liệu có xuất xứ (value of origin materials), bao gồm trị giá của chi phí nguyên liệu có xuất xứ, chi phí lao động, chi phí sản xuất chung (overhead cost), lợi nhuận và các chi phí khác; VNM là trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ (value of non-originating materials), bao gồm trị giá CIF của nguyên liệu, bộ phận hay hàng hóa tại thời điềm nhập khẩu, hoặc giá mua đầu tiên xác định được của nguyên liệu, bộ phận hay hàng hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Bên nơi diễn ra các công đoạn sản xuất hoặc chế biến; và FOB.

THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick ký kết chính thức VKFTA

Nguồn: Internet

Đối với thương mại dịch vụ, hiệp định chia làm hai phần: cam kết về nguyên tắc, bao gồm các định nghĩa, các quy định chung về nghĩa vụ là đối xử quốc gia (NT), đối xử tối huệ quốc (MFN), các phụ lục về tài chính, viễn thông, di chuyển thể nhân; và (ii) cam kết về mở cửa thị trường, gồm phụ lục riêng các danh mục mở cửa của Việt Nam và Hàn Quốc về từng lĩnh vực dịch vụ. Vói lĩnh vực này, phương pháp tiếp cận là chọn – cho tương tự như trong Tổ chức Thương mại Thế giới, tức là mỗi bên sẽ có một danh mục các lĩnh vực cam kết trong đó liệt kê các lĩnh vực mở cửa và mức độ mở cửa các lĩnh vực nào không được liệt kê là không có cam kết và bên đó có quyền tùy ý quy định. Tuy vẫn là chọn – cho, nhưng VKFTA vẫn để mở khả năng đàm phán lại theo phương pháp chọn – bỏ, cụ thể, nếu một trong hai bên thông qua bất kỳ hiệp định nào về thương mại dịch vụ với một bên thứ ba mà sử dụng phương pháp tiếp cận chọn – bỏ, thì Việt Nam hay Hàn Quốc có thể yêu cầu bên kia đàm phán lại thương mại dịch vụ, đầu tư trong VKFTA dựa trên phương pháp tiếp cận chọn – bỏ, và đặt mục tiêu kết thúc trong vòng một năm.

VKFTA có điểm mới so với AKFTA khi thêm thỏa thuận về dịch vụ viễn thông và di chuyển thể nhân. Ở viễn thông, có điều chỉnh các biện pháp, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại mạng và dịch vụ viễn thông công cộng như truy cập và sử dụng dịch vụ, kết nối, bán lại, bảo hộ cạnh tranh, chuyển mạng giữ số, dịch vụ kênh đi thuê. Ở di chuyển thể nhân, đặt ra các quyền và nghĩa vụ bổ sung ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định cụ thể trong các biểu cam kết dịch vụ của mỗi bên mà trong đó có các cam kết về phương thức dịch vụ hiện diện thể nhân,[i] bao gồm các nội dung về quản lý, cấp phép, điều kiện và hạn chế đối với di chuyển thể nhân. Bên cạnh đó, về tiếp cận thị trường, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc ở phân ngành: dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển; và Hàn Quốc mở cửa hơn cho Việt Nam trong phân ngành: dịch vụ pháp lý, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt, dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt, dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

CAM KẾT CHUNG

Việt Nam và Hàn Quốc cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu từ và khoản đầu tư thông qua các nghĩa vụ đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc giống với các hiệp định trước đó, và yêu cầu về hoạt động (performance requirements, PR), và nhân sự quản lý cao cấp (senior management and board of directors, SMBD). Với PR, cam kết không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến các nhà đầu tư của bên kia như các yêu cầu: nhà đầu tư phải đạt một tỷ lệ hàm lượng nội địa nhất định; ưu tiên mua hàng nội địa; ràng buộc tỷ lệ nhập khẩu với xuất khẩu; hạn chế việc bán hàng trên lãnh thổ của nước đó; xuất khẩu hàng đạt một tỷ lệ nhất định; chuyển giao công nghệ, quy trình, bí quyết sản xuất cho chủ thể của bên kia. Với SMBD, cam kết không đặt ra các yêu cầu về quốc tịch đối với nhân sự quản lý cao cấp trong doanh nghiệp đầu tư của bên kia, nhưng có thể yêu cầu đa số thành viên hội đồng quản trị phải mang một quốc tịch nhất định, hoặc phải cư trú trên lãnh thổ của bên nhận đầu tư nhưng không được làm ảnh hưởng đáng kể tới khả năng kiểm soát khoản đầu tư của nhà đầu tư. Ngoài bốn nghĩa vụ cơ bản này, VKFTA còn có các cam kết về tiêu chuẩn đối xử, đền bù thiệt hại, tước quyền sở hữu và bồi thường, chuyển tiền, thế quyền, từ chối lợi ích nhằm đảm bảo quyền lợi/đền bù quyền lợi khi bị vi phạm cho các nhà đầu tư của bên kia.

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

VKFTA quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định chỉ áp dụng cho các tranh chấp giữa Việt Nam hoặc Hàn Quốc và nhà đầu tư của nước còn lại do nhà nước vi phạm một số nghĩa vụ cam kết về đầu tư trong hiệp định, gây thiệt hại đến nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của nhà đầu tư, liên quan đến việc quản lý, thực hiện, vận hành, hoặc bán hoặc các hình thức định đoạt khác khoản đầu tư đó. Chủ thể giải quyết tranh chấp là tòa án hành chính của nước nhận đầu tư theo quy trình và thủ tục sẽ theo quy định và pháp luật của nước đó; hoặc trọng tài. Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có bốn bước là:  nhà đầu tư thông báo về ý định khởi kiện ra trọng tài cho nhà nước mà đầu tư muốn kiện; hai bên tiến hành tham vấn, thương lượng; nộp đơn kiện nếu tham vấn không thành công; trọng tài giải quyết tranh chấp; và thực thi phán quyết. Hiệp định có những quy định mang tính mới, chưa có ở các hiệp định thương mại tự do trước đó mà Việt Nam ký kết về vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư và nhà nước, đó là đề cập đến Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID).Theo đó, khi hai bên tham vấn không thành công thì nhà đầu tư đó có thể nộp đơn khởi kiện ra trọng tài theo Công ước ICSID và Quy tắc ICSID về Tố tụng trọng tài, nếu Việt Nam và Hàn Quốc là thành viên của Công ước ICSID. Trên thực tế, tính đến khi ký kết VKFTA, Hàn Quốc là thành viên của Công ước ICSID nhưng Việt Nam thì không, và theo đó tranh chấp tiến hành theo Quy tắc Phụ trợ ICSID, hoặc theo Quy tắc Trọng tài của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL).

Ảnh hưởng

Dựa trên cơ sở là Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc, Hàn Quốc bắt đầu tiến trình đàm phán xây dựng hiệp định thương mại tự do các các nước thành viên của ASEAN và Việt Nam trở thành nước thứ hai, sau Singapore, hoàn thành hiệp định này, và trước một nước khác là Indonesia. So với AKFTA, trong VKFTA, Hàn Quốc mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, lần đầu tiên mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm được coi là nhạy cảm cao của Hàn Quốc như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, khi mà thuế nhập khẩu của Hàn Quốc đối với những mặt hàng này rất cao từ 241–420% trước khi ký kết, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trên thực tế, với việc ký kết VKFTA, lấy mốc là năm 2015, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển sang một giai đoạn mới. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 26 tỷ USD, tăng lên thành 46,1 tỷ USD năm 2016, Việt Nam tiếp tục là nước nhập siêu, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu gia tăng so với nhập khẩu, các mặt hàng thuộc nhóm cắt giảm thuế dẫn đầu tỷ lệ tăng trưởng như tôm (giảm từ 20% về miễn thuế), hạt điều (từ 8% về 1,8%), xoài (từ 30% về 18%). Về đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục là nước đầu tư dẫn đầu vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu tiếp cận hoặc gia tăng số lượng dự án đầu tư so với thời điểm trước đó, như Samsung, LG, Doosan, các dự án tập trung vào công nghiệp chế tạo, sản xuất phục vụ xuất nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2019, trong chu kỳ thương mại thông thường trước khi diễn ra đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương tăng lên đạt 66,79 tỷ USD, FDI Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 7,92 tỷ USD. Tiến trình thực hiện hiệp định được xem là một đóng góp lớn cho mối quan hệ giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam và Hàn Quốc chuẩn bị cho việc gia tăng lên thành đối tác chiến lược và toàn diện năm 2022.

Về cơ chế phối hợp, dựa trên các điều khoản VKFTA được mở rộng, hai nước có nhiều cuộc trao đổi, hội thảo để cộng đồng doanh nghiệp nâng cao khả năng khai thác các ưu đãi của hiệp định, thống nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi. Đối với cơ chế thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức tương ứng với mỗi một lĩnh vực được thành lập như Tiểu ban Hợp tác kinh tế; Hải quan; Phòng vệ thương mại; SPS; TBT; Đầu tư được duy trì. Hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập website chung về VKFTA, thành lập nhóm xử lý khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc (Viet Nam Plus – Korea Plus), Ý định thư (Letter of Intent, LOI) giữa Cục Công nghiệp Việt Nam và Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KIAT) về việc thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (TASK).


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng